Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân

Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
Tiểu thương tại đây hàng năm đều cam kết về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, không bán hàng lậu và hàng nhái. Tuy nhiên, phần lớn đều cho rằng điều này rất khó khả thi.
Vừa nghe điện thoại trao đổi với khách, anh Tiến vừa nhắc lại tên sản phẩm rồi ghi vào tờ giấy để tiện cho nhân viên đóng hàng: "4 Samsung Galaxy S4, 5 Nokia, 10 tai nghe Beat... giao hàng vào buổi chiều nay".  

Sản phẩm nhái mang tên tuổi của các thương hiệu nổi tiếng bày bán tại chợ Đồng Xuân không ít, đặc biệt là đồ công nghệ, điện thoại, túi xách... Anh Tiến, kinh doanh mặt hàng đồ công nghệ, điện tử hơn 10 năm nay nên cũng đã quen với việc giới thiệu sản phẩm theo tên các thương hiệu nổi tiếng. 

WP-20140721-011.jpg

Các tiểu thương cho rằng rất khó để chứng minh nguồn gốc các sản phẩm tại chợ Đồng Xuân vì đa số quá trình nhập hàng không có hóa đơn gốc. Ảnh: Anh Quân

Đồng Xuân là một trong những chợ đầu mối bán buôn lớn nhất tại Hà Nội, cung cấp hàng tiêu dùng cho nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Trước kia, mặt hàng bày bán tại đây khá đa dạng, nhưng nay chủ yếu chỉ có đồ điện tử, gia dụng, vải, quần áo, hàng khô, bánh kẹo, hầu hết đều có giá rẻ và nguồn gốc từ Trung Quốc. Đại diện Công ty cổ phần Đồng Xuân cho biết, đã nhiều lần tổ chức kết nối giữa các tiểu thương và doanh nghiệp sản xuất trong nước nhưng hai bên vẫn không gặp được nhau.

Cuối tuần trước, cũng giống như hơn 2.000 tiểu thương kinh doanh tại chợ, anh Tiến ký cam kết không kinh doanh hàng lậu hoặc vi phạm về sở hữu trí tuệ. Đây là chương trình do Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội) triển khai với nội dung hàng hóa của các kiot đều phải cam kết có nguồn gốc rõ ràng, không phải hàng lậu, hàng cấm, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Bản cam kết cũng yêu cầu các hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân phải thực hiện nghiêm việc niêm yết giá bán.

Việc ký cam kết kiểu này, theo anh Tiến, đã được tiến hành từ nhiều năm nay nhưng rất khó thực hiện triệt để. Anh Tiến rất ít khi sang phía bên kia biên giới để lấy hàng mà nhập từ một đầu mối lớn tại Hà Nội. Cứ mối nào đổ hàng rẻ hơn thì anh nhập về bán, một số sản phẩm có hóa đơn nhập hàng, còn lại phần lớn không có giấy tờ gốc.

"Nếu cơ quan quản lý yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc nhập hàng thì chúng tôi cũng không biết lấy từ đâu", anh Tiến nói. 

Chị Mai, kinh doanh túi xách, ví da 15 năm nay tại chợ Đồng Xuân cũng không mấy khi quan tâm đến hóa đơn nhập hàng. Cửa hàng của chị chỉ khoảng 10% hàng nội địa, còn lại đều là hàng Trung Quốc.

 >>> Ảnh: Hàng không rõ nguồn gốc tràn ngập chợ Đồng Xuân

Chị cho biết, nếu cơ quan quản lý yêu cầu thực hiện tất cả các tiêu chí trong bản cam kết thì chị cũng sẽ không thể duy trì công việc kinh doanh tại đây. Do đó, với một số nội dung bị kiểm tra gắt gao như hàng giả mạo nhãn hiệu của Gucci, Louis Vitton, Channel... thì chị ngừng bán. Thay vào đó, chị bán các sản phẩm không có tên tuổi. Còn với cam kết sản phẩm phải rõ nguồn gốc, không phải hàng lậu, chị cũng chẳng mấy quan tâm.

"Các đầu mối đổ hàng đều làm ăn lâu năm với nhau, giao đến kiểm hàng thấy đủ rồi trả tiền chứ đa số không có hóa đơn. Nếu cơ quan quản lý đến yêu cầu giấy tờ chứng minh nguồn hàng thì chúng tôi cũng không có để xuất trình. Chúng tôi kinh doanh bao năm nay, cũng chưa thấy ai hỏi những giấy tờ đó", chị Mai cho hay. 

Các loại thực phẩm, hàng khô, bánh kẹo cũng là ngành hàng quan trọng tại chợ Đồng Xuân. Tuy ít xảy ra tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, nhái nhãn mác, tuy nhiên việc chứng minh nguồn gốc hàng hóa với các tiểu thương là rất khó khăn. 

Theo ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, bản cam kết được tiến hành mỗi năm nhằm đảm bảo hàng đều có nguồn gốc rõ ràng, không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, làm nhái nhãn hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm cũng không dễ dàng vì tập quán kinh doanh của tiểu thương tại đây chủ yếu theo lối cũ, giao hàng theo quen biết, không mấy khi có hóa đơn, chứng từ. 

Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân cũng cho biết công tác tuyên truyền thường xuyên được thực hiện hàng năm, kể từ 2005. Tuy nhiên, tình trạng bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn phổ biến vì thực tế tại chợ Đồng Xuân có đặc thù là nguồn hàng chủ yếu chuyển về từ Trung Quốc.

"Các đầu mối lớn thường nhập cả container hàng và đa số theo đường tiểu ngạch, sau đó xé nhỏ bán ra để giao cho các mối khác nhau. Trong khi chứng từ thì không thể chia lẻ ra được. Do đó, khi yêu cầu hóa đơn để kiểm tra nguồn gốc, các tiểu thương đều không thể xuất trình", ông Thủy nói. 

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân cũng cho rằng, trong số các tiêu chí yêu cầu tiểu thương cam kết, đơn vị này sẽ cùng cơ quan quản lý tập trung làm chặt hơn các vi phạm về sở hữu trí tuệ. Theo đó, các hộ kinh doanh sản phẩm làm nhái, giả các thương hiệu nổi tiếng sẽ bị tịch thu, lập biên bản... 

Một trong những cam kết trong văn bản cũng vừa được tiểu thương cam kết là các sạp hàng đều phải niêm yết giá bán trên sản phẩm. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh tại đây đều cho rằng, điều này rất khó thực hiện.

"Chúng tôi chủ yếu bán buôn, lượng bán lẻ không đáng kể. Mỗi cửa hàng đều có hàng trăm sản phẩm, thậm chí nhiều mặt hàng rất lặt vặt, nếu niêm yết thì không thực tế chút nào", chị Thảo, tiểu thương bán đồ nữ trang nói. 

Ngọc Minh